Việt Nam sử dụng phần lớn là vũ khí Nga
Trong bài viết trên trang web Sputnik của tác giả Dmitry Shorkov, nhà báo Nga nhấn mạnh, lịch sử lâu đời của đất nước Việt Nam đã chứng minh rằng, nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước chân thành và là những chiến binh dũng cảm, có thể làm nên những thắng lợi vang dội trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Kinh nghiệm chiến tranh nửa sau thế kỷ 20, với sự tham gia của Việt Nam, khẳng định rằng: Ngoài lòng yêu nước và lòng dũng cảm, còn phải có kiến thức quân sự hiện đại, vũ khí tiên tiến. Ngày nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, tăng cường năng lực chiến đấu, và tiếp tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang phát triển quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự đa phương, mua sắm vũ khí, trang bị của cả Mỹ và các quốc gia như: Israel, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nga vẫn là đối tác truyền thống trong lĩnh vực này, mối liên kết giữa lãnh đạo quân sự hai nước cũng được duy trì và phát triển.
Ngoài thiết bị quân sự do Liên Xô chế tạo, được bảo dưỡng cẩn thận trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, Quân đội Nhân dân Việt Nam còn có những vũ khí hiện đại của Nga, mua sắm sau giai đoạn năm 1990, hiện chúng đang là nòng cốt trong lực lượng tác chiến của Việt Nam.
Không quân Việt Nam hiện đang sở hữu máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-30MK2, lực lượng phòng không cũng được biên chế các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300PMU-1.
Trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp, Việt Nam một lần nữa lựa chọn Nga làm đối tác cung cấp, với các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS đã chứng minh sức mạnh trên chiến trường Syria.
|
Quân đội Việt Nam vẫn sử dụng chủ yếu là vũ khí tác chiến của Nga |
Xương sống của Hải quân Việt Nam là tàu chiến mặt mặt nước Nga như tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 và hàng chục tàu tên lửa Molniya được sản xuất ở các nhà máy đóng tàu của Việt Nam theo giấy phép từ Nga), cũng như tàu ngầm diesel-điện thuộc lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo); lực lượng bảo vệ bờ biển cũng được biên chế hệ thống tên lửa bờ đối hạm hàng đầu thế giới là K-300P Bastion-P.
Việt Nam cũng sở hữu nhiều loại súng cá nhân của Nga và có thể sản xuất những loại súng đó (ví dụ như với giấy phép sản xuất từ Nga, Việt Nam đã tự sản xuất súng trường bắn tỉa cỡ lớn OSV-96, cũng như hiện đại hóa súng trường tấn công Kalashnikov).
Ngoài ra, những sĩ quan hiện nay và trong tương lai của Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn đang theo học tại các trường quân sự Nga, để nâng cao trình độ tác chiến cũng như trình độ làm chủ kỹ thuật đối với các loại vũ khí hiện đại của Nga.
Những sự kiện chính trong hợp tác quân sự Nga-Việt năm 2018
Vào tháng 1 năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã đến thăm Việt Nam. Ông đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ngô Xuân Lịch và hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả chuyến đi này là sự đồng thuận sơ bộ về kế hoạch hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Moscow và Hà Nội trong giai đoạn 2018-2020.
Phát biểu trong chuyến thăm Hà Nội, Đại tướng Shoigu nhấn mạnh rằng, Việt Nam là đối tác lâu năm của Liên bang Nga, được thử thách qua nhiều giai đoạn lịch sử, liên kết bằng mối quan hệ tin cậy, dựa trên tình hữu nghị và hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Nga sẵn sàng tiếp nhận các chuyên gia Việt Nam đến trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng phương tiện kỹ thuật của Nga trong điều kiện chiến đấu thực tế… Trước hết, đó là máy bay chiến đấu, vũ khí của Lục quân, Đặc nhiệm và hệ thống phòng không, không chỉ về tổ hợp Pantsir-S1, mà còn về hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Cuộc gặp thứ hai trong năm giữa những người đứng đầu Bộ quốc phòng Việt Nam và Nga diễn ra bên lề Hội nghị về An ninh quốc tế ở Moscow hồi tháng 4. Kết quả là, hai bên đã kỹ kết lộ trình phát triển hợp tác quân sự song phương trong giai đoạn 2018-2020.
Đánh giá cao vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đặc biệt lưu ý việc phối hợp giữa thủy thủ hai nước trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn hàng hải.
Những tàu ngầm mới nhất, tiên tiến nhất của Việt Nam là do Nga sản xuất, lực lượng tàu ngầm của Việt Nam còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm, cần phải được đào tạo thêm trong việc tìm kiếm, giải cứu khẩn cấp tàu ngầm bị nạn. Và các thủy thủ Nga có thể giúp đỡ các đồng nghiệp Việt Nam.
Vào cuối tháng 6 năm 2018, phái đoàn quân sự Việt Nam do Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đã đến thăm Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga - trung tâm hàng đầu của Nga về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.
Tại đây, các sĩ quan cấp cao quân đội Nga cũng như quân nhân nước ngoài được đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, rất nhiều tướng lĩnh chỉ huy quân sự hàng đầu đã được đào tạo ở Học viện này.
Đoàn Việt Nam cũng đã được phía Nga giới thiệu việc áp dụng kinh nghiệm thực tế chiến đấu trên chiến trường (dựa trên các trận chiến ở Syria) vào hệ thống giáo dục quân sự.
Được biết, Bộ Quốc phòng Nga đã cung cấp 176 suất đào tạo học viên quân sự Việt Nam tại các trường đại học quân đội hàng đầu của Nga trong năm 2018.
|
Rộ lên tin đồn Việt Nam đang đàm phán mua S-400 Triump Nga |
Những loại vũ khí triển vọng cho Quân đội Việt Nam
Vào tháng 7, giới truyền thông cho biết, Nga và Việt Nam đã bắt đầu đàm phán về việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S400 Triump và tiết lộ rằng, Việt Nam có thể mua ít nhất là bốn tiểu đoàn S-400.
Giới chuyên gia không loại trừ rằng, trong tương lai, số lượng S-400 trong lực lượng phòng không của Việt Nam sẽ lên tới 4 trung đoàn (2-3 tiểu đoàn cho mỗi trung đoàn).
Trong Triển lãm Hàng hải Viễn Đông Quốc tế lần thứ nhất, tổ chức từ ngày 26 - 28/7 tại Vladivostok, Rosoboronexport đã đón tiếp phái đoàn của lực lượng vũ trang Việt Nam.
Theo tin, phái đoàn sĩ quan Hải quân Việt Nam đã đến thăm gian hàng của những cơ sở đóng tàu Nga là Công ty Cổ phần Vostochnaya Verf (Vladivostok) và Nhà máy Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky (Cộng hòa Tatarstan), hội đàm với ban quản lý các doanh nghiệp
Những thông tin bên lề triển lãm cho biết, Việt Nam đang quan tâm đến các tàu mặt nước thế hệ mới của Nga, có lượng giãn nước từ cỡ vừa trở xuống, nhưng được trang bị hỏa lực rất mạnh như: Hệ thống tên lửa hành trình Kalibr-NK, cùng với hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Shtil hoặc hệ thống mới hơn, có tầm bắn xa hơn là Poliment-Redut.
Ngoài ra, giới truyền thông cũng đưa nhiều thông tin về những loại vũ khí Nga mà Việt Nam có thể mua; ví dụ như tên lửa siêm âm BrahMos (liên danh với Ấn Độ), máy bay chiến đấu MiG-35, máy bay huấn luyện Yak-130; hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1… Tuy nhiên, những thông tin này đều chưa được xác nhận.
Theo các quan chức quốc phòng Nga, hợp tác kỹ thuật quân sự với Việt Nam là một trong những ưu tiên của Nga và ngược lại.
Với những bước tiến mới và vững chắc trong quan hệ giữa hai bên trong năm 2018, các chuyên gia Nga tin chắc rằng, 2019 sẽ là một năm mà mối quan hệ đối tác quân sự Nga-Việt sẽ được tăng cường mật thiết hơn nữa.